VIỆT HỐP

Hy vọng cho Việt Nam

Đầu Pháp chính phủ thư - Phan Chu Trinh

Mùa hè năm 1906, Phan Châu Trinh từ Nhật Bản về nước. Việc làm đầu tiên của ông là gửi một bức thư chữ Hán (quen gọi là Đầu Pháp chính phủ thư) cho toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ quân chủ chuyên chế thối nát, yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Việt và sửa đổi chính sách cai trị để giúp nhân dân Việt từng bước tiến lên văn minh.

Đầu Pháp chính phủ thư được đăng trên tuần báo Tân dân số đặc biệt kỷ niệm ngày mất lần thứ 23 của Phan Châu Trinh, ra ngày 24/3/1949 tại Hà Nội.

Phan Châu Trinh thự trước tác1 hậu bổ, tỏ bày cái tình trạng ở nước Việt Nam:

Trộm xét từ khi Pháp sang nước Nam bảo hộ đến nay, những việc bắt cầu đắp đê sửa sang đường sá, xe lửa, tàu thủy chạy khắp nơi, cùng là lập ra Sở Bưu chính để thông báo tin tức, đều có lợi ích cho nước Nam, người ta ai cũng thấy cả. Nhưng có nhiều việc không thể nhịn đi mà không nói, là các mối tệ hại ở trong quan trường, các sự rất khổ ở chốn dân gian, những sự hư hỏng về nền phong hóa, cùng là những cái có quan hệ đến số mệnh nước Nam, thì Chính phủ đều gác để một bên, mặc kệ cho hư nát mà không thèm hỏi đến. Trong khoảng vài mươi năm nay, các bậc đại thần ăn dầm nằm đìa ở chố triều đình, chỉ biết chiếu lệ cho xong việc; quan lại ở các tỉnh, thì chỉ lo cho vững thần thế mà hà hiếp bóp nặn ở chốn hương thôn, đám sĩ phu thì ganh đua nhau vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì! Bọn cùng dân bị bóp nặn mãi mà máu mủ ngày một khô, không còn đường sinh kế nữa. Đến bây giờ thì sự thế hư hỏng, nhân dân lìa tan, phong tục suy đồi, lễ nghĩa bại hoại, một khu đất hơn 4 triệu thước vuông2, một dân tộc hơn 20 triệu người lại sắp sửa ở cái địa vị bán khai mà quay về cái địa vị dã man. Những người có tri thức thấy cái thảm trạng như thế, lo đến nòi giống tiêu diệt, cũng muốn rung chuông gõ mõ đánh thức nhau dậy, để lo phương cứu vớt nhau, nhưng mà kẻ mạnh bạo thì trốn tránh ra nước ngoài, chỉ kêu gào than khóc mà không dám về; kẻ nhút nhát thì chịu vùi đầu ở chỗ hương thôn, đành giả đui giả điếc mà không dám bàn nói đến. Chưa từng có người nào dám đến trước cửa quan Bảo hộ phơi gan giỏ máu3, kể rõ cái thủ đoạn tàn ngược của quan trường, cùng là cái tình trạng thảm khổ của cùng dân, khiến cho cái tội ác của quan lại, và cái khổ cảnh của quốc dân trong mấy mươi năm nay, lọt vào trong tai các quan Bảo hộ. Đến nỗi nước Nam bây giờ gần thành như một người ốm nặng gần chết, khó có thuốc mà cứu chữa được nữa, đó thật là tội tại sĩ phu nước Nam mà gây nên tội ấy thì cũng bởi hiểu lầm rằng Chính phủ Bảo hộ dùng chính sách ngược đãi người Nam làm cái chính sách hay nhất, tốt nhất.

Tôi cáo quan đã mấy năm nay, đi khắp trong Nam ngoài Bắc, tình trạng nhân dân khốn khổ, quan lại tham tàn, đều được mắt thấy tai nghe, và dư luận ở dân gian về cái cách Chính phủ đối đãi người Nam và người Nam đối đãi Chính phủ, cũng đều để tai nghe mà ghi vào dạ cả. Tôi không dám nhút nhát, xin cứ thực bày tỏ ra sau này, các quan Bảo hộ nghe thấy, chắc cũng xót ruột đau lòng, cho làm phải mà không nỡ cự tuyệt.

Hiện nay người Nam trừ những người ở trong quan trường không kể, còn ra thì không luận người khôn người ngu, trăm miệng một lời, đều nói rằng Chính phủ ngược đãi người Việt Nam, rằng Chính phủ không lấy loài người đãi người Việt Nam4. Thấy quan lại nước Nam không săn sóc tới việc dân mà tàn ngược với dân thì lại đều nói rằng Chính phủ cố ý dung túng khiến cho cắn nuốt lẫn nhau cho nòi giống mòn mỏi, đó tức là cái kế thực dân của Chính phủ. Trong mấy năm nay, suốt cả trong Nam ngoài Bắc, khắp thành thị cho đến hương thôn, ý tưởng của nhân dân đều như thế cả. Lại xét biết trí mình không đủ sống được, sức mình không chống lại được, thì lại nghển cổ giương mắt trông mong các nước mạnh ở đâu đâu họa may họ đến cứu mình chăng. Chao ôi! Một dân tộc đến 20 triệu người, kẻ có học thức cũng đến vài mươi vạn, mà tối tăm mù mịt, mềm yếu ươn hèn, không đủ sức bênh vực được nhau, để liệu cách sinh tồn, lại ù ù cạc cạc, không biết rằng mình ở vào thế giới cường quyền thịnh hành, “hơn được kém thua” này, mà còn có cái mơ tưởng hão huyền như thế, dân trí thực cũng đáng thương vậy! Nhưng đã bao nhiêu năm nay người Nam ở dưới bóng cờ nước Bảo hộ, mà đến bây giờ nòi giống ngày một yếu hèn, không còn có kế gì cứu vớt lấy nhau, đến nỗi nóng nẩy điên khùng theo cái kế sách đê mạt, chỉ trông mong vào nước khác, thế thì vì ai mà nên nỗi thế? Tưởng các quan Bảo hộ cũng nên suy xét kỹ càng vậy.

Cái nguyên nhân sinh ra cái tệ ấy có ba điều:

Một là tại chính phủ Bảo hộ dung túng quan lại Việt Nam thành ra cái tệ “cô tức”5. Xưa nay chính phủ Bảo hộ đối với nước ở dưới quyền thống trị của mình, thường thường chỉ đặt một vài vị quan to cùng với chính phủ bản xứ cầm cái đại cương về mặt chính trị, còn các quan lại ở các địa phương, thì tuy có đặt quan Bảo hộ, nhưng cũng phải dùng người bản xứ để coi việc và trị dân. Việc làm giỏi hay không, dân yên hay không, thì cốt nhờ về cái tài năng của dân bản xứ thế nào. Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước một ngày một suy, suốt từ trên đến dưới, chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi. Pháp luật, chế độ không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả. Người trên thì làm lâu được thăng trật, chẳng qua sống lâu lên lão làng, người dưới thì đem của mua quan, thật là tiền bạc phá luật lệ. Người này làm người kia bắt chước, lâu rồi thành ra thói quen. Những người đỗ đạt muốn cầu bổ bán thì hót nịnh luồn cúi ở các nhà quyền quý; những người ở nhà thì ỷ thần, cậy thế, hà hiếp bóp nặn ở trong làng, ngoài việc trai gái, ăn uống thì không còn biết việc gì. Những người làm ăn phát đạt, lắm bạc nhiều tiền thì chỉ tìm cách ăn chơi cho sung sướng. Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma, như quỷ, lừa gạt, bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn, như bò, giẫm cổ, đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng. Cả mấy mươi triệu người như một đàn ruồi lũ kiến, không còn có chút nhân cách nào, đó là thảm trạng trước mắt, ai cũng trông thấy, không phải tôi dám nói quá lời, để vu cho người cả một nước đâu.

Này cứ xem cái nhân cách của người Nam tồi mạt như thế, không kể là quan là dân, hay là hạng người nào, thì tất phải lập ra hình phạt, phòng giữ cho nghiêm, dùng pháp luật mà ràng buộc, rồi sau mới dắt dìu nhau lên con đường tiến hóa, thì cuộc trị an mới mong duy trì được lâu. Chính phủ Bảo hộ nước Nam đã lâu, không phải là không biết rõ như thế, lại hiểu rằng: tục nước Nam không thể đổi ngay được, người nước Nam không thể dùng làm gì được, chỉ phải cầm lấy quyền lớn trong nước mà cứ để chính phủ Nam triều, cứ dùng quan lại nước Nam, để lấy người sai khiến làm việc sưu thuế. Còn việc nước Nam, dân nước Nam thì không cần hỏi đến: trong ý cũng nói ta dùng người Việt Nam để cai trị nước Việt Nam mà thôi. Cũng có đôi khi thay đổi một vài ông đại thần, hoặc là thăng giáng một vài viên quan lại, cái người bị đuổi đi đã đành không làm được việc, mà cái người thay chân ấy cũng có phải là người làm được việc đâu, cái người bị cách vẫn là gian tham, mà cái người được bổ cũng không phải là người liêm khiết! Phương chi hôm nay bị giáng, bị cách, ngày mai lại được thăng, được thưởng; ở nơi này “can khoản”6 thì lại đổi đi nơi kia, thì tuy có phạm tội tham, mang tiếng xấu, cũng có hại gì đâu! Quan lại nước Nam thấy chính phủ có ý dung túng như thế, cho là việc thường, lâu rồi quen đi, đứa càn dỡ lại càng càn dở, chỉ lo đem tiền đi mua quan, đứa biếng lười lại càng biếng lười, chỉ biết khóa miệng cho yên việc. Áo mũ thùng thình, ngựa xe rộn rịp, hỏi quan chức thì ông này là đại thần trong triều, ông kia là đại lại các tỉnh, chỉ biết có một việc là ngày đi hội thương7 hay ra công đường xử kiện, còn hỏi đến việc lợi bệnh trong nước, hay là trong một tỉnh thì mơ màng chẳng hiểu một chút gì; ông này là quan phủ ở phủ này, ông kia là quan huyện ở huyện kia; chỉ biết việc bắt phu thu thuế cùng là đi đón đi tiễn các quý quan, còn hỏi đến việc nên làm, nên bỏ ở trong phủ, trong huyện, cũng mơ màng mà chẳng hiểu chút nào cả. Còn đến việc đút lót người trên, sách nhiễu kẻ dưới thì không cứ là quan to, quan nhỏ đều công nhiên cho là cái quyền lợi của người làm quan đáng được, dẫu có ai bàn nói đến cũng không kể vào đâu.

Than ôi! Nước Nam nhân cách tuy rằng tồi mạt, dân trí tuy rằng lú lấp8, nhưng nếu vài trăm năm nay cứ đồi bại mãi như thế, thì nòi giống tất phải tan nát bao giờ rồi, có thể nào độc lập được hơn nghìn năm, nghiễm nhiên là một nước lớn ở phương Nam, số người vẫn cứ sinh sôi nảy nở ngày thêm nhiều ra, đến bây giờ thành ra một dân tộc lớn trên thế giới. Thuộc địa của Pháp, khắp cả năm châu, phỏng khiến cách cai trị thuộc địa nơi nào cũng như thế cả, thì còn ai vui lòng yêu mến nữa?

Than ôi! Pháp luật của nước Nam tuy rằng không công bằng, nhưng mà thuộc về cái mặt ngăn cấm quan lại thì thật nên dùng để trị quan lại đời này. Bây giờ chính phủ lại chỉ dùng cái hình luật rất thảm khốc ác độc để trói buộc bọn dân ngu, mà đối với quan lại thì luật pháp rất là sơ sài, đến nỗi như đê nước vỡ chân, tung tóe ra mà không thể nào ngăn cản được nữa, thế thì lỗi tại chính phủ dung túng quan lại mà thành ra cái tệ ấy đó.

Hai là chính phủ khinh rẻ dân Việt Nam thành ra cái tệ xa cách. Người Pháp ở nước Nam đã lâu, thấy người Nam quan lại thì gian tham, kẻ sĩ dân thì ngu xuẩn, phong tục thì đồi bại, ghét rằng người Nam không có phong cách quốc dân, cho nên phàm những bài đăng trên các tờ báo, cho đến những khi bàn bạc chuyện trò đều tỏ ý ghét người Nam, khinh người Nam, cho là người Mọi, ví với lợn bò, không muốn dìu dắt lên cho ngang với mình, mà lại sợ đến gần mình làm cho nhớp bẩn nữa. Vài mươi năm nay không cứ hạng người nào, không cứ có tội hay không có tội, nếu xúc nộ9 quan Tây, thì đều bị kỳ nhục10. Những người nghèo đi làm thuê, những dân phu đi làm việc quan, bị người Tây đánh đau hay là đập chết, cũng thường thấy luôn. Những việc ấy đồn thổi đi khắp trong Nam ngoài Bắc, ai nghe cũng phải kinh hãi tức giận, cho là người Tây đãi mình như chim muông, coi mình như gỗ đá, nhưng chỉ căm tức mà không dám nói ra. Những người nhà quê ngu khờ, sợ uy khiếp thế, xem người Tây như sấm như sét, chỉ lo tránh cho xa; những kẻ sĩ phu hơi có liêm sỉ, thì đều sợ cái đường làm quan mà không dám mon men đến. Chỉ có những người ham lợi lộc hay là cấp bách11 về việc ấm no trong nhà, cực chẳng đã phải đâm đầu vào trường nô lệ. Khi đêm hôm thanh vắng một mình, nghĩ đến những cách người Tây khinh rẻ đãi mình, cũng biết tức giận, biết xấu xa, mà mình lại phân vân với mình, chỉ vì mình ở trong vòng, không làm thế nào được, cũng phải im hơi lặng tiếng cho xong việc đi, chứ có phải bọn ấy toàn là đồ vô sỉ, vui thích những sự ô nhục thế đâu. Hiện bây giờ, quan lại nước Nam, không cứ quan lớn quan nhỏ, khi tiếp kiến quan Tây đều là run sợ rụt rè, chỉ sợ thưa thốt sai lầm làm cho quan Tây nổi giận. Ở các chốn hương thôn, những kẻ thân sĩ, khi đó ở ngoài đường ngẫu nhiên gặp người Tây, không cứ là Tây quan, Tây lính hay là Tây buôn, thì phải cúi đầu cụp tai rảo bước mà đi cho mau, chỉ sợ tránh không xa mà bị nhục.

Nay hai nước ở cùng một xứ, mà tình ý xa cách nhau như thế, cho nên những người cầu làm quan thì ngày càng đến chực trước cửa quan Bảo hộ, mà những người có kiến thức ở trong nước thì không ai dám đến trước sân, những người kiện cáo thì đôi khi được thấy mặt quan công sứ, mà cái tiếng sầu khổ ở chốn nhân gian thì không bao giờ được lọt vào tai quan công sứ.

Than ôi! Lấy cái tội gian tham vô sỉ mà buộc cho người Việt Nam thì thật không chối cãi được. Nhưng mà cả một dân tộc đến hai mươi triệu người há lại không có một vài người có thể bàn nói đến việc lợi bệnh có ích lợi cho nhà nước, mà chính phủ Bảo hộ nhất thiết khinh rẻ đi, tôi sợ rằng ở với nhau càng lâu lại càng xa nhau, khó lòng mà mong được hai bên tình ý đều thông với nhau được. Mới đây Đại Việt tân báo có nói rằng số người Việt Nam ở Nhật Bản hiện nay có chừng hai mươi người. Trong số chừng hai mươi người ấy há lại không có một vài người hơi biết cái hiện trạng cùng khốn của nước Việt Nam bây giờ ư ? Và từ chỗ những người ấy mà đi đến dinh quan Bảo hộ tỉnh mình, xa thì độ một ngày, gần thì độ vài ba giờ, thế mà dân nước Nam xứ kia chưa từng bước chân ra khỏi cửa, nay thì chịu bỏ mồ mả, lìa vợ con, vượt bể ra khơi, mày mò đến một nước mấy nghìn năm nay không biết bao giờ, kêu gào khóc lóc, để thổ lộ cái khí uất ức bất bình, chứ quyết không chịu đến cửa quan Bảo hộ mà bày tỏ những sự đau đớn ở trong lòng, thế là tại chính phủ Bảo hộ khinh rẻ người Việt Nam, thành ra cái tệ xa cách mà sinh ra thế.

Ba là tại các quan lại Việt Nam nhận ra cái tệ xa cách ấy mà thành ra cái tệ hà hiếp dân, chính phủ Bảo hộ vì người Việt Nam tình ý không thông mà quan lại làm càn làm bậy trên kia đã kể qua rồi. Nhưng phỏng khiến không có người đứng giữa ngăn cản hai bên, ngộ có một ngày kia các quan Bảo hộ vì ở lâu mà hiểu rõ được tình ý người Việt Nam, hoặc là người trong nước không chịu nổi, mà phải bày tỏ cái mối tệ của quan lại ra, người Pháp người Nam thông hiểu được nhau, thì quan lại còn thò ngón gian vào đâu được nữa. Quan lại có muốn như thế đâu, tất phải tìm cách để xa lìa ra. Họ biết rằng sưu thuế thu nạp cho thanh thỏa là điều chính phủ thích, gàn trở việc quan, hay là họp đảng mưu toan bạo động, là điều chính phủ ghét. Các điều chính phủ thích thì họ hết lòng hết sức làm cho được việc. Tuy lột da dân, hút máu dân, chẻ xương dân cũng không cần. Các quan tỉnh, quan phủ, quan huyện, ỷ quyền thế để dọa nạt dân ngu và đè nén sĩ phu, lại sợ sĩ dân hoặc có tức giận mà chống lại chăng họ lại nhân điều chính phủ ghét mà vu oan, hoặc là nói rằng họ tập thân sĩ sợ có ý thức gì khác chăng … Mấy câu mơ hồ, không có những cớ gì cả. Chính phủ không hiểu cái mưu gian của họ, lại cứ tin họ, vì thế mà có người phải lụy đến thân gia, mắc vào tù tội.

Cũng có khi chính phủ biết là bọn quan lại nói dối, nhưng lại cho là họ làm được việc quan, rồi cũng làm thinh mà không trị tội. Bởi thế dân tình càng cách, sĩ khí càng suy, quan quyền càng thịnh. Các quan phủ huyện chẹn thằng dân nào béo thì ăn, từ việc kiện cáo, việc trộm cướp, việc án mạng, cho đến các việc vặt khác, việc gì cũng bóp nặn lấy tiền; còn như là chính phủ sức hỏi trong hạt mình có bao nhiêu trường học, dân lĩnh giống tằm về nuôi, cùng là nhà làm ruộng mang thóc đi đấu xảo, số đinh, số điền bao nhiêu, cùng là quan Tây đi khám, thầy thuốc đi trồng đậu, và những việc vận tải đo đạc. Chính phủ thì cho là việc thường, không có gì nhiễu dân cho lắm, mà quan lại thì cứ nói rằng đó là việc giao thiệp, rồi sai trát đi bắt dân, làm ồn ào cả lên, nào là đưa, là đón, là khai, là báo, nào là tiền phạt, tiền bút giấy, quan đã quơ quyệt được một số tiền to rồi. Phàm những việc sầu khổ ở dân gian, tức là những mối lợi to của quan lại. Không cứ việc lớn việc nhỏ, việc hoãn việc cấp, hễ nắm được một mảnh giấy của quan Bảo hộ thì họ quý như hòn ngọc, coi như cái bùa hộ thân, vì nhờ đó mà thu được nặng túi!

Thậm chí các nha dịch và các tổng lý thấy béo bở quá cũng thèm mà tìm cách chấm mút đôi tý, đua nhau đem tiền bạc ra tỉnh lo chạy, cầu được một chút gì nho nhỏ, nhai cái bã giả cũng đủ no béo rồi. Nghiệm thế thì tình trạng khốn nạn của dân cũng đáng thương thật, chỉ vì sợ uy khiếp thế mà không dám ho he12. Trong đám thân sĩ cũng nhiều người biết, vì mình ở vòng ngoài, sợ mang lấy hiềm nghi nên không dám nói đến. Các quan to cũng biết như thế cả, nhưng vì ăn của đút, rồi cũng giả điếc giả đui, còn các quan Bảo hộ thì vì ý tình không thông, không tài nào hiểu thấu được. Đến bây giờ dân cùng của hết, người giàu người nghèo, đều khốn khổ cả; người nào cũng oán thán, trộm cướp nổi lung tung, sự thế thật là nguy cấp. Thân sĩ trong nước, người thì xướng ra học chữ Tây, người thì xin bỏ khoa cử, người thì góp vốn mở cửa hiệu buôn, ý cũng muốn cứu vớt lấy vài phần trong trăm phần; quan lại ghét rằng làm thế là có ý muốn chống chọi với mình thì lại bảo là điên cuồng, cho là âm mưu, những lời vu oan giá họa, chắc là ngày nào cũng nói đến tai các quan Bảo hộ.

Than ôi! Nước Nam không kể là nước dã man hay nước bán khai, nhưng mấy nghìn năm nay theo học chữ Nho, sách vở hãy còn đó, nếu lấy yêu dân là công, hại dân là tội, bọn quan lại đều là người có đọc sách, có biết chữ, mà dám lấy quan trường làm nơi bán hàng, coi nhân dân như cá thịt, bảo những lời thương dân là điên rồ, cho những việc hưng lợi là phản nghịch, làm cho đen trắng mập mờ, phải trái lẫn lộn, làm bậy làm bạ, nói càn nói dỡ, không còn chút kiêng dè sợ hãi gì, thế là bởi quan lại nhân cái tệ xa cách mà gây nên.

Ba cái tệ mới kể ở trên, đó là mới nói qua đấy thôi, còn đến các thói nịnh hót, các cách tham bạo của quan lại, cho các nhà kỹ xảo Thái tây nghĩ mấy năm cũng không hiểu được; cái tình trạng đói rét sầu khổ của dân ngu, các nhà hội họa Thái tây vẽ mấy mươi bức cũng không đúng được.

Nhưng đó chỉ là tại Chính phủ Bảo hộ dung túng quan lại, khinh rẻ sĩ dân, đến nỗi quan lại thừa cơ mà làm hại dân, còn đến cái chính sách kinh lý nước Nam của Chính phủ thì còn nhiều điều nên bàn nói nữa. Nghề làm ăn thì không dạy bảo, lối lợi thì không mở mang, chỉ biết sưu thuế thì tăng cho nhiều, bây giờ cùng khốn đến thế này, tại quan lại làm hại dân, mười phần độ năm sáu, mà vì sưu thuế nặng nề thì mười phần đến ba bốn. Nước Việt Nam mấy nghìn năm nay chỉ trông vào nghề làm ruộng, việc chăn nuôi cùng dâu tằm cũng chưa thành nghề riêng còn nghề công, nghề thương thì đành thua kém nhiều, không phải bàn đến nữa. Xưa kia suốt các hạng người trong nước, toàn là lười biếng cẩu thả, gặp sao hay vậy, triều đình thì không lo tính đến việc mở mang thực nghiệp, ở chốn hương thôn thì phần nhiều là quân du thủ du thực, nguồn lợi không thông, mối lợi lấp hết, vì thế cho nên các ngạch thuế đều thu nhẹ cả. Gặp năm đói kém, thì hoặc phát tiền hoặc cho vay gạo, dân ngu không có nghề nghiệp, chỉ hong hóng ngồi đợi người nuôi. Đến bây giờ khắp trong nước biết bao nhiêu người đất bỏ hoang và dân vô nghệ, chính trị thì đổ nát, nhân dân thì ngu lười, đã trải qua bao nhiêu năm như thế rồi. Từ ngày thuộc quyền Bảo hộ của nước Pháp, nào là bắc cầu sửa đường, xây đồn lập ải cho đến lương bổng của quan lại cũng tăng lên, chi tiêu tốn kém kể hàng mấy trăm vạn, mà số tiền thu vào trừ các ngạch thuế Thương chính ra thì chỉ trông vào thuế đinh, thuế điền, cũng là sự thế phải đến thế. Nhưng nếu được vài bậc đại thần có trí thức, có lòng nhân ái, và vài trăm quan lại có đức thanh liêm, có tài mẫn cán, mà chính phủ tín dụng13 cho, để cùng nhau tính toán những việc dấy lợi trừ hại, mở tài nguyên cho nước, thêm đường sinh lý cho dân, rồi sau hãy lần lấy thuế thì trên đã có lợi cho nước, mà dưới cũng không có hại gì đến dân, cũng không phải là không có cách gì làm được. Nhưng nay không làm thế, lại lấy cớ rằng quan lại không có tài cán gì, nhân dân lại hay lừa dối, không cần hỏi đến ruộng rộng hay hẹp, tốt hay xấu, đinh nhiều hay ít, giàu hay nghèo, cứ nhất luật mà lấy thuế, năm nay thêm một phần, sang năm thêm một phần, năm nay gia một khoản, sang năm gia một khoản. Chính phủ đã lấy thế mà tiêu dùng cho đủ, cố hết sức mà làm; quan lại lại lấy thế để làm đường mua quan, rán mỡ dân cho đủ ngạch. Cứ theo việc trước mắt thì cách làm như thế không phải là không dễ mà lại là lấy được nhiều tiền, nhưng chỉ sợ rằng tát hết nước mà bắt cá, thì sau không thể có được mãi. Về khoa tài chính, thì người Pháp rất là tinh tường, thử xem số hoa lợi của đất cát trong một tỉnh một năm được bao nhiêu, một người ăn mặc một năm hết bao nhiêu, chi tiêu vặt vãnh một năm hết bao nhiêu, tiền đóng sưu nộp thuế một năm hết bao nhiêu, so tính cho kỹ thì nhân dân tiêu dùng thừa thãi hay là túng thiếu, thật là rõ ràng, không còn phải bàn nói nữa; huống chi quan lại lại sách nhiễu, sưu dịch lại nặng nề, và gặp năm thiên tai, tiền của vật sản lại còn hao hụt không biết là bao nhiêu; lại còn chưa kể đến những quân lười biếng ăn bám và những quân trộm cướp bóc lột nữa. Thế mà muốn cho nhân dân không khốn đốn mà chết dần chết mòn đi, thì có thể nào được không? Lại còn đến cái tệ sưu dịch thật cũng không thể nói xiết được, mỗi tên đinh một năm đóng thuế thân rồi phải bốn ngày công ích và mười ngày công sưu, còn như đi làm thứ tạp dịch khác đều có tiền thuê, cứ như thế thì giống như dân cũng không đến nỗi khốn khó gì cho lắm. Nhưng mà ở chốn hương thôn thật là phiền nhiễu, người nọ đi người kia về, nối gót nhau trên đường không có ngày nào được yên cả. Quan lại lại nhân thế mà quấy nhiễu, tha tên này, bắt tên kia, tùy ý mình muốn thế nào thì làm thế, lúc đầu thì quan đem tiền thuê dân, sau thì dân đem tiền thuê quan; đứa cùng dân vì thế mà hết sản nghiệp, mà mất nghề làm ăn thì cũng thật nhiều. Còn những tiền cố công, tiền hòa mãi của Nhà nước phát cho, thì nha lại ăn bẻo, ăn xén, dân nghèo quanh năm vận tải ở trên đường, khốn khổ khó nhọc, mà tiền công mười đồng chỉ lĩnh được hai ba đồng mà thôi, như thế mà muốn cho bọn cùng dân không lìa tan trôi dạt, có thể nào được không?

Nhân dân nước Nam bây giờ ngu xuẩn như trâu, như ngựa, tha hồ cho người ràng trói, cho người đánh đập, có miệng mà không dám kêu, gần chết mà không dám than thở, lại thêm lấy uy thế của Bảo hộ và quan lại nước Nam tàn nhẫn, cứ dùng roi vọt mà đánh cho đau, thì muốn gì mà chẳng được! Tôi trộm sợ rằng người giàu thì nghèo đi, người nghèo càng thêm khốn, người hèn yếu nhút nhát thì phải đi ăn mày ăn xin, quân gian dối mạnh bạo thì thành ra ăn trộm ăn cướp, trong dăm bảy năm nữa, chốn hương thôn tiêu điều, nhân dân mòn mỏi, không vì đói rét mà chết, thì cũng vì lìa tan mà chết, không chết ở đường xá, thì cũng chết về quan lại hà hiếp; đến lúc ruộng không có người cày, việc không có người làm, thuế má không có người nộp, tuy có lột da đẽo xương, làm đến đâu thì cũng lại theo dõi dân giống đỏ ở Mỹ châu mà thôi, chứ có ích lợi được việc gì đâu!

Than ôi! Nã Phá Luân hoàng đế là ông sứ giả trời sai xuống rắc cái hoa tự do, người Âu châu đến bây giờ vẫn khen ngợi lại đến câu “yêu giặc như bạn”, đàn bà trẻ con nước Pháp vẫn còn nhắc đến luôn. Nay một nước cũ mấy nghìn năm ở cõi Á Đông, mới thuộc về ngọn cờ ba sắc, mà đã đến khốn khổ, ức uất không tự lập được các quan Bảo hộ chắc cũng đau lòng xót ruột, ngày đêm lo lắng, tìm phương cứu vớt cho; lẽ nào để như thế mãi mãi, làm hại đến danh dự của nước Pháp, khiến cho kẻ khác mượn cớ thế mà thêm tiếng chê bai?

Ở nước Nam bây giờ, quan lại tham tàn, sưu thuế nặng nề, nhân dân sầu khổ, thật đã quá lắm rồi, mà các quan Bảo hộ vẫn hình như chưa biết, thế chẳng chậm lắm rồi ư?

Mới đây trong Nam ngoài Bắc, nhân dân đồn thổi đều nói rằng cái chính sách cai trị nước Nam nay Chính phủ muốn đổi phương châm, làm cho người Tây người Nam cùng lòng hợp sức với nhau, đó thực là cái kế vững yên lâu dài vậy. Nhưng tôi thường đọc những bài diễn thuyết của quan toàn quyền đăng ở các tờ báo, một thì nói rằng khoản đãi người Nam, việc cải cách hình luật, mở trường học, và các việc khác, cũng có nói đến nhiều, mà đến việc quan lại và việc sưu dịch, thì thật không nói động đến; ông chủ bút báo nọ ở Hải Phòng là người Pháp, bàn việc Đông Dương, dài đến mấy vạn lời, cái tệ sưu thuế, nói cũng đã hết, mà cái việc quan lại nước Nam thì lại nói rằng “không theo cái phép cũ nước Nam, thì không trị được dân Nam”. Ý kiến sai lầm như thế, thật lạ lùng thay! Nay Chính phủ Bảo hộ dùng quan lại để áp chế dân nước Nam cũng đã lâu rồi, đến bây giờ muốn dấy lợi mà không trừ hại trước , mưu yên dân mà không chọn quan trước, thì lợi dấy sao được, dân yên sao được?

Bây giờ dân nước Nam đã sắp chết đến sau lưng, mà quan lại thì trừ việc truyền lệnh thu thuế, không còn biết việc gì nữa, họ không làm qua loa cho xong chuyện, thì họ lại nhân dịp để kiếm tiền, đã không có công hiệu gì mà lại thêm nhiễu dân nữa. Vẽ màu xanh sắc đỏ vào bức tường đất bùn, bày vật lạ miếng ngon trên cái bàn bụi bặm, chỉ mất công mà được ích gì đâu! Thế mà cứ nói khoản đãi người Nam, khai hóa người Nam, có khác gì sợ con trẻ vòi khóc, mà đem bánh ngọt quả chín ra dỗ, lo dân đói làm trộm cướp mà chở mỏ vàng mỏ bạc ra chỉ làm cho nó nghi ngại mà chết thèm mà thôi, về cái chính sách kinh lý Việt Nam có thấy ích lợi được chút gì đâu.

Tôi xét kỹ chính sách của Chính phủ Bảo hộ hình như ngờ sĩ dân nước Nam thầm mưu chống cự, muốn nhờ quan lại để dò xét, dùng hình phạt để hiếp chế, làm như thế chỉ nén mất sĩ khí của sĩ phu, mà thêm cái gian cho quan lại, về sự thực không đúng gì cả. Này, yêu tự do, mưu độc lập, lấy sự làm nô lệ người là xấu hổ, ngờ cho dân tộc bên Âu châu có lòng như thế là phải rồi, chứ ngờ cho sĩ dân nước Nam như thế thì không gì ngờ cho đứa bé ba tuổi đốt nhà giết người. Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức, trong cùng một làng một ấp cũng xâu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống, vẫn coi nhau như thù hằn; cho dẫu ai có muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không có chỗ mà nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giả phỏng Chính phủ cho mượn dăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn gì thì làm, chỉ độ dăm năm, thật là báo thù lẫn nhau, đến chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong cái thế giới này, lại còn chống cự ai được nữa?

Sĩ dân nước Nam, không làm gì nổi, đã đành là không phải lo, song bảo rằng cùng với chính phủ Bảo hộ một lòng một chí, không ngờ vực nhau, sống chết có nhau, thì cũng chưa hẳn đã có như thế. Vài mươi năm nay, quan lại tàn ngược ngày càng tệ thêm, cùng dân oán giận ngày càng sâu thêm, lại thêm sưu thuế nặng nề, và nắng to lụt lớn, thiên tai thường xảy ra luôn, sinh kế càng thêm khó khăn, khổ này chưa qua khổ kia lại đến, không biết đến đâu là cùng. Đến bây giờ tiếng oán hận nơi nào cũng thế, nhân tình nhao nhao, nghe những tin thổi hão huyền, cũng đều lấy làm thật, chỉ vì chưa gặp được dịp, chưa dám ồ lên mà chống chọi với quan lại đó thôi. Phỏng như một ngày kia nước láng giềng thừa cơ mà gây việc, hai bên đường chống chọi nhau, dân nghèo nhân dịp khởi lên bạo động, người tham thì cướp bóc để lấy của, người mạnh thì chém giết hể hả lòng thù riêng, quan lại thì dòm bên nào mạnh thì theo, bên nào yếu thì bỏ, thấy thế sự đã hỏng thì lại mau chân chạy trước, tuy bỏ chủ này làm đầy tớ chủ khác, họ cũng can đảm mà làm, đó là cái ẩn tình của người Việt Nam bây giờ đó. Như bảo rằng người Nam phải liều chết vì Chính phủ Bảo hộ đi chống giặc ngoài, là cái nghĩa vụ của người Nam phải làm như thế, sợ người Nam không ai công nhận đâu! Tuy vậy, đó cũng là vì khốn khổ vì tệ chính, khiếp sợ vì ngược uy, không biết làm thế nào, cực chẳng đã phải làm điều đó thôi; chứ không phải là người Nam ham vui sự tai vạ mà làm như thế đâu! Nếu Chính phủ sẵn lòng đổi hết chính sách đi, kén chọn người hiền tài, trao quyền bính cho, lấy lễ mà tiếp, lấy thành mà đãi, cùng nhau lo toan việc dấy lợi trừ hại ở trong nước, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, rộng quyền ăn nói cho thân sĩ, báo quán cho mở rộng để thông đạt tình dân, thưởng phạt cho nghiêm chỉnh để khuyên răn quan lại, còn đến những việc đổi pháp luật, bỏ khoa cử, mở trường học, đặt tòa tu thư, dạy lớp sư phạm, cho đến học công thương, học mỹ nghệ và các ngạch sưu thuế, đều cải lương dần dần, thế thì dân được yên nghiệp làm ăn, sĩ thì vui lòng giúp việc cho Chính phủ, chỉ sợ người Pháp bỏ nước Nam mà đi, còn ai toan mưu việc chống cự nữa ?

Than ôi! nước Nam bây giờ, dân khí thì yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu châu Mỹ, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường. Công việc ngày nay, ai có thể dạy ta thì ta xin làm học trò, ai có thể nuôi ta thì ta xin làm con, nhờ ơn dạy dỗ nuôi nấng dìu dắt ôm ấp lấy nhau, mong cho giống nòi sinh tồn ở trên mặt địa cầu này thôi. Bỏ nơi này, sang nơi khác, đi đâu mà chẳng phải là nhờ, nhờ ai chẳng là nhờ, mà lại bảo rằng nhờ người này là vinh, nhờ người kia là nhục, cứ lo ngày lo đêm, tìm cách nọ kế kia, ném đi mấy mươi vạn cái đầu, chảy ra mấy mươi vạn vũng máu, vất đi bao nhiêu cái xác ruồi không thèm đậu, cáo không thèm ăn, để mua lấy cái địa vị nô lệ mấy trăm đời không thay đổi thì trong lòng mới hả mới sướng, người Nam dẫu mắc phải bệnh điên cũng không ai chịu làm thế! Nhưng tôi còn không dám nói chắc lắm, là còn xem cái chính sách đãi Chính phủ Bảo hộ đãi người Nam thế nào. Tôi trong lòng đau đớn chua xót không biết kêu gào vào đâu, cầm bút viết thư này, quên cả những sự kiêng sợ, các quan Bảo hộ quả lấy lòng thành khoản đãi người Nam, thì tất cũng xét bụng tôi, nghe lời tôi, cho tôi đến ngồi mà thung dung bàn hỏi, cho tôi được phơi gan mở ruột, bày tỏ cái điều lợi hại, may ra nước Nam có cái cơ được cải tử hồi sinh, thế là hạnh phúc của nước Nam tôi, thế là thỏa lòng ước mong của tôi. Ví bằng Chính phủ cứ lấy cái cách làm ngược đối đãi người Nam là cái chính sách hay nhất tốt nhất, thà bỏ một khu đất bốn mươi sáu vạn dặm, giết một dân tộc hai mươi mấy triệu người, để theo cái chính sách ấy, chớ quyết không cho người Nam được có lúc mở mặt mở mày với thế giới, thì xin lấy cái tội ngông cuồng khép cho tôi, lấy cái luật phỉ báng buộc cho tôi, gông cùm để trước mặt, vạc dầu đun sau lưng, khiến cho những kẻ có tài có trí ở trong nước, chạm chân khóa miệng, lo liệu lấy cách mà làm, đừng bắt chước tôi đường đột nói càn để mắc vòng tội lệ, thế là một điều không may lớn cho nước Nam tôi, mà cũng là lòng ước mong của tôi, xin các quan Bảo hộ xét cho.

Người dịch: Ngô Đức Kế


  1. Trước tác: một bậc trong ngạch quan, lại triều đình Huế. Phần nhiều các người đậu đại khoa được bắt đầu bổ dụng thường được xếp vào hàm này
  2. Con số này không chính xác, có lẽ là 400.000 dặm vuông
  3. Phơi gan giỏ máu: nói hết những điều trong lòng
  4. Không xem người Việt Nam như là người
  5. Cô tức: dè dặt, rụt rè không dám hay không muốn đối phó quyết liệt với tình thế
  6. Can khoản: cách nói tắt nơi quan trường, có nghĩa là liên can đến một khoản hình sự nào đó
  7. Hội thương: họp mặt với các quan Tây để thương nghị công việc (thật ra là để nghe mệnh lệnh và huấn thị)
  8. Lợi bệnh: lợi hại
  9. Lú lấp: quên tất cả, năng khiếu như bị che lấp
  10. Xúc nộ: xúc phạm
  11. Bị kỳ nhục: bị xúc phạm nhục nhã
  12. Cấp bách: bị thúc bách ngặt nghèo
  13. Không dám ho he: im hơi lặng tiếng, không dám nói gì, làm cái gì tỏ ra mình có ý kiến